Triển khai thực hiện đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin
Lượt xem: 24

Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nhân loại. Công nghệ thông tin không chỉ là ngành công nghiệp dịch vụ phát triển với tốc độ cao, đóng góp lớn vào nguồn thu cho đất nước mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ngày nay, không một ngành nào, lĩnh vực nào phát triển mà không dựa vào sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực

Trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng CNTT được tỉnh xem là một mũi nhọn để nâng hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp từ nhiều năm qua. Theo đó, việc ứng dụng CNTT tiếp tục được hoàn thiện, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính, xem đây là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó là cơ sở để đảm bảo nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh ESB theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 2 hệ thống. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng WAN tỉnh bằng đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định. Hệ thống Hội nghị truyền hình tiếp tục phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh, giữa UBND tỉnh với 10/10 UBND huyện, thị xã, thành phố.

anh tin bai

Ảnh minh họa

Từ năm 2019, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã triển khai đầu tư bổ sung nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị CNTT cho Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã. 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số góp phần đẩy mạnh tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử qua môi trường mạng. Tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai mở rộng ứng dụng phần mềm đến các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện, cấp xã, đảm bảo 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện, cấp xã và 10 đơn vị khác được triển khai sử dụng phần mềm, hoàn thành kết nối liên thông phần mềm theo mô hình liên thông 4 cấp và thực hiện phát hành văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Việc khai thác, sử dụng phần mềm ở các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện sử dụng theo quy trình khép kín, thực hiện ký số, gửi nhận văn bản liên thông qua phần mềm, không gửi văn bản giấy (trừ văn bản mật).

Bảo đảm hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ

Thực hiện mục tiêu chung của UBND tỉnh về chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tiết kiệm chi phí, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và đơn vị, phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn, giải pháp đề ra là đầu tư trang thiết bị, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng CNTT. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đầu tư công nghệ mới để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, chính quyền điện tử, từng bước kết nối thông suốt 4 cấp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn yêu cầu rà soát, đầu tư, nâng cấp, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin, mạng máy tính phục vụ chuyên môn tại các sở, ngành và địa phương, bao gồm cả đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã theo kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số năm 2024. Đồng thời rà soát, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng và triển khai thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1385, ngày 17/4/2024 về triển khai thực hiện Công điện số 33 ngày 7/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cấu hình thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền internet bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng bộ hạ tầng thiết bị CNTT để đáp ứng cải cách hành chính góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện các giao dịch vụ hành chính trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận và trả kết quả đúng thời gian quy định, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị, địa phương phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Nguồn: baobinhthuan.com.vn

 

Chuyên mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang