Chuyển đổi số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng
Lượt xem: 96

Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt lấy ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, được tổ chức hằng năm nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; đồng thời, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm quá trình chuyển đổi số thành công.

anh tin bai

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Chuyển đổi số ngành Xây dựng, tổ chức vào tháng 8/2024

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua, Bộ Xây dựng không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý, tạo nhiều lợi ích thiết thực trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy chuyển đổi số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Cụ thể: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được áp dụng mạnh mẽ vào công tác chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; chỉ số cải cách hành chính 2023 (Par Index 2023) của Bộ Xây dựng xếp hạng thứ 7/17 khối các Bộ và cơ quan ngang Bộ; trong năm 2023, Bộ Xây dựng xếp hạng thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trên các lĩnh vực quản lý, công tác chuyển đổi số cũng đã được lồng ghép, đẩy mạnh triển khai như: hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhằm tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh như xây dựng bộ tiêu chí đô thị thông minh; tham gia các hoạt động Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN); hợp tác quốc tế để triển khai định hướng phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm quản lý phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm cung cấp các thông tin, số liệu thống kê về nhà ở, dự án bất động sản và tình hình giao dịch bất động sản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức và chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về tổ chức kiểm định, các thiết bị được kiểm định và kiểm định viên về kỹ thuật an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng, quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, kho dữ liệu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Về phát triển hạ tầng số: hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư nâng cấp, quang hóa hệ thống kênh truyền, phủ sóng mạng không dây trụ sở cơ quan Bộ đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ công chức, viên chức trên môi trường số: 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính có cấu hình cao, kết nối internet băng thông rộng Trung tâm dữ liệu của Bộ Xây dựng là một cơ sở hạ tầng quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu liên quan đến các hoạt động ngành Xây dựng trên toàn quốc. Phát triển Trung tâm dữ liệu của Bộ Xây dựng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại không chỉ giúp tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành, mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành Xây dựng.

Thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai và hoàn thành việc bổ sung các thành phần công nghệ thông tin đối với Trung tâm dữ liệu, triển khai và thực thi các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ 3 đối với 2 Hệ thống của Bộ Xây dựng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn tại Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và truyền thông; hoàn thành việc xây dựng các phương án làm sạch dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu; hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung chức năng, xây dựng và tích hợp các giao thức kết nối (API) để kết nối các Hệ thống đạt điều kiện cần thiết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngày 16/5/2023 và ngày 12/6/2023, Tổ công tác liên ngành Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng; kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn tại Công văn số 708/BTTTT-CATTT ngày 2/3/2024 của Bộ Thông tin và truyền thông; tổ chức kết nối chính thức hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, làm giàu dữ liệu.

Về phát triển dữ liệu số: Trung tâm dữ liệu Bộ Xây dựng hiện đang vận hành hơn 30 hệ thống và các cơ sở dữ liệu khác nhau, bao gồm Hệ thống quản lý điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ, các hệ thống thông tin và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Công tác phát triển dữ liệu đã được lãnh đạo Bộ quan tâm và được coi là đối tượng ưu tiên ngay từ khi triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ Xây dựng. Trong giai đoạn từ 2021 đến nay, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng 28 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong đó có 6 cơ sở dữ liệu tập trung trong toàn quốc và 22 cơ sở dữ liệu công bố thông tin chuyên ngành. Bộ Xây dựng đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Xây dựng. Trong đó xác định 34 cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Xây dựng và phân chia thành nhiều nhóm: nhóm cơ sở dữ liệu chuyên ngành (21 cơ sở dữ liệu); nhóm cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị hành chính, văn phòng, nhân sự (12 cơ sở dữ liệu); nhóm cơ sở dữ liệu báo cáo thống kê (1 cơ sở dữ liệu).

anh tin bai

Chuyên viên Trung tâm Thông tin phối hợp bộ phân Một cửa hỗ trợ công dân thực thiện các thủ tục hành chính

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến: Bộ Xây dựng hiện đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi giải quyết của Bộ bao gồm 5 lĩnh vực: Quản lý chất lượng, giám định tư pháp, an toàn xây dựng; quy hoạch kiến trúc; hoạt động xây dựng; nhà ở; vật liệu xây dựng. Trong đó có 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 6 dịch vụ công trực tuyến một phần, đáp ứng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến ngày càng tăng, tỷ lệ ước tính trong năm 2024 đạt khoảng 88%, tăng gấp 3 lần so với các năm trước.

Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chỉ đạt 14,7% thì đến năm 2023; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đã đạt xấp xỉ 67%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đã tăng gấp khoảng 4,6 lần trong vòng 2 năm (2022-2023); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 cũng đạt 92,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Các dịch vụ công có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến cao như dịch vụ công cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu hạng I (99,4%); dịch vụ công cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề hạng I (98,6%).

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng hiện có hơn 23 nghìn tài khoản cá nhân và gần 3 nghìn tài khoản của các tổ chức đăng ký; có 68.830 hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng, trong đó có 25.342 hồ sơ nộp trực tuyến. Năm 2023, số hồ sơ nộp trực tuyến là 9.871 hồ sơ/tổng số hồ sơ tiếp nhận là 14.732 hồ sơ, đạt tỷ lệ 67%. Số lượng hồ sơ nộp trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2024 là 7.723 hồ sơ/tổng số hồ sơ tiếp nhận là 8.826 hồ sơ, đạt tỷ lệ 87.5 %. Có 65.907 hồ sơ được đồng bộ trạng thái với Cổng dịch vụ Công quốc gia; trong đó có 20.462 hồ sơ đăng ký trực tuyến trên Cổng dịch vụ Công quốc gia; số tiền phí thu được thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến đạt trên 3.000.000.000 đồng. Một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lần đầu hạng I; Cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, Trung tâm Thông tin chủ trì triển khai 3 hệ thống thông tin cung cấp các dịch vụ công trực tuyến từ trung ương đến địa phương gồm: Dịch vụ công trực tuyến thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Hệ thống đã được kết nối với Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia và vận hành tại địa chỉ: https://dvcnhao.xaydung.gov.vn; Dịch vụ công trực tuyến cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên toàn quốc tại địa chỉ: https://capphep.xaydung.gov.vn; Dịch vụ công trực tuyến cung cấp thông tin quy hoạch tại địa chỉ: https://dvcquyhoach.xaydung.gov.vn.

Về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, Bộ Xây dựng tích cực triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng để đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng; thực hiện triển khai phương án đảm bảo an toàn thông tin mạng theo cấp độ kết hợp với triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống theo mô hình 4 lớp tại Bộ Xây dựng; bổ sung số lượng máy chủ kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai giám sát, đánh giá rủi ro, an toàn thông tin mạng đối với hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Xây dựng. Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số tại cơ quan Bộ Xây dựng; tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tại cơ quan Bộ Xây dựng; thực hiện rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; rà soát, xây dựng, cập nhật, ban hành, các kế hoạch, quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Bộ Xây dựng.

Có thể nói, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực xây dựng ngày càng có những bước tiến mạnh để hòa nhập vào xu thế chung của chuyển đổi số quốc gia, từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu về các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến 2030; triển khai nâng cấp phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính Bộ Xây dựng đáp ứng đặc thù riêng của ngành xây dựng để quản lý và tái sử dụng trong quá trình xử lý hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai nâng cấp Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 94/2024/NĐ-CP; kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Xây dựng và Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Xây dựng; xây dựng và cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng, phiên bản 3.1.

anh tin bai

Bộ Xây dựng luôn quan tâm triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam; tiếp tục phối hợp với các địa phương để số hóa và cập nhật thông tin các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và an ninh bảo mật cho trung tâm dữ liệu Bộ Xây dựng; thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc di chuyển một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ lên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Vào tháng 8/2024 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị Chuyển đổi số ngành Xây dựng, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số đầu tiên của ngành Xây dựng được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, phù hợp với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Xây dựng nhấn mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng. Do đó, để công tác chuyển đổi số trở nên thực chất, khả thi, thiết thực hơn, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc các địa phương cần tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số; quan tâm hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu của Bộ Xây dựng đáp ứng yêu cầu đặt ra; tiếp tục quan tâm xây dựng, tạo lập, phát triển dữ liệu để đẩy mạnh số hóa được phân cấp theo quy định nhằm tạo nguồn dữ liệu có giá trị cho ngành Xây dựng.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện, ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng nền tảng số dùng chung phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn; tăng cường phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số để triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng mô hình trợ lý ảo phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin; chú trọng rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, số hóa các thủ tục, hồ sơ hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.

Nguồn: moc.gov.vn

 

Chuyên mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang