Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh
Ngày 01/4/2024 Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 816/SXD-QLXD&HTKT về việc chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động đảm bảo an toàn lao động khi triển khai thi công các công trình xây dựng (trụ sở cơ quan, nhà ở, khu chung cư, các công trình công cộng tập trung đông người, các công trình hạ tầng kỹ thuật,…); cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương kiểm tra, rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung sau:
1. Đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh: Đề nghị các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; BCH Quân sự tỉnh; BCH Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư xây dựng công trình, các nhà thầu thi công xây dựng, các chủ quản lý sử dụng công trình, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan:
- Căn cứ Kế hoạch số 4090/KH-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch ứng phó sự cố sụp đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, theo chức năng, nhiệm vụ đã được xác định, khẩn trương củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra;
- Chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra an toàn, chất lượng trong thi công xây dựng công trình; an toàn phòng chống lụt bão tại các công trình do mình làm chủ đầu tư và các công trình xây dựng trên địa bàn theo phân cấp (lưu ý mức độ đảm bảo an toàn đối với việc sử dụng giàn dáo, cần cẩu; an toàn chống sạt lở trong biện pháp thi công phần ngầm,…); công trình nhà tạm, nhà bán kiên cố; nhà gạch khung bê tông cốt thép có nguy cơ phát sinh sự cố sập đổ mái, tốc mái và đổ tường, rạn nứt, hư hỏng; công trình hạ tầng kỹ thuật có nguy cơ phát sinh sự cố hư hỏng do bị sụt đất, sạt lở; các công trình tiếp giáp trực tiếp với sông, rạch; trong đó đặc biệt lưu ý các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực;
- Yêu cầu các tổ chức, đơn vị trên địa bàn cần chủ động kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm các nội dung: An toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, doanh trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi..., đặc biệt đối với các công trình trọng yếu, công trình cao tầng, công trình ngầm, công trình nhà xưởng, kho bãi, nhà ở và đô thị, các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng đồng thời kết hợp việc bảo đảm an toàn cho dân cư và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực trọng yếu và khu vực thi công xây dựng. Đối với các đơn vị đang thi công trên các khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ, sạt lở phải đặc biệt chú ý xây dựng phương án cho các trường hợp cần thiết để khẩn trương sơ tán người và các loại máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực ảnh hưởng của lũ, sạt lở, ngập úng;
- Trường hợp có lắp đặt cần cẩu phục vụ thi công công trình cao tầng, cần kiểm tra thường xuyên liên tục, có biện pháp gia tăng liên kết đảm bảo ổn định, an toàn vận hành (đặc biệt lưu ý trong mùa mưa bão, lốc xoáy, lũ lụt, động đất,…); an toàn chống sét; an toàn công trình và các công trình lân cận;
- Tất cả các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời phải xây dựng nội quy vận hành an toàn niêm yết tại vị trí máy, thiết bị. Tại những vị trí nguy hiểm như: Xung quanh khu vực đang thi công ở trên cao, khu vực cần trục đang hoạt động, hầm, hào, hố, kho bãi chứa vật liệu có yếu tố độc hại, vật liệu dễ cháy, nổ, các lỗ trống trên sàn, chu vi mép sàn, mái phải có biển báo chỉ dẫn và lan can rào chắn, ban đêm phải có điện chiếu sáng. Khi thi công những công trình cao tầng phải có lưới bảo vệ xung quanh công trình, đảm bảo an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão;
- Đối với các chung cư cũ, xuống cấp: Yêu cầu kiểm định lại hiện trạng chất lượng công trình, để có hướng xử lý thích hợp, kịp thời có biện pháp tổ chức di dời khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho con người, cho công trình. Với các chung cư cũ, nhà tập thể xuống cấp, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ cao cần kịp thời triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn;
- Đối với công trình có tầng hầm, công trình ngầm: Các đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án,…cần phối hợp kịp thời để có biện pháp chống sạt lở, trồi sụt đất,… có thể gây sự cố hư hỏng công trình và các công trình lân cận;
- Đối với các công trình dạng kết cấu nhà thép tiền chế cần tổ chức kiểm tra, gia cố kịp thời, đảm bảo sự làm việc bình thường của các liên kết, mối nối, liên kết mái, liên kết tại khung đầu hồi, đảmbảo ổn định cục bộ, ổn định toàn bộ công trình;
- Đối với công trình nhà tạm, nhà bán kiên cố: Cần có biện pháp gia cố (giằng, chống, neo buộc,…), hoặc cần thiết thì vận động tháo gỡ, kịp thời có biện pháp tổ chức di dời, đảm bảo an toàn toàn cho con người, an toàn công trình;
- Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn, chống sụt lún, sạt lở, gãy nứt công trình do mưa, bão lụt, ảnh hưởng của triều cường, hoạt động bất thường của dòng nước ngầm….;
- Đối với các công trình nằm trong phạm vi hành lang đảm bảo an toàn lưới điện, đê điều, sông rạch: có biện pháp gia cố, giằng, chống, đặc biệt gia cố tăng cường liên kết mái,… đảm bảo ổn định, an toàn công trình; kịp thời có biện pháp tổ chức di dời khi cần thiết;
- Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật: Rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập;
- Đối với công trình đang thi công xây dựng: Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công xây dựng, các chủ quản lý sử dụng công trình phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão;
- Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình: Yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng theo phân cấp công trình, thời gian đưa vào sử dụng và vị trí xây dựng, đặc biệt đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu như: ven biển, hải đảo, khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ, xâm thực, khu vực đông dân cư …; thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, làm tốt công tác bảo trì, kết quả báo cáo về Sở Xây dựng để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các công việc nêu trên;
- Đối với các cột điện ly tâm bê tông cốt thép: Yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và gia cường, giằng chống đối với các trường hợp không đảm bảo chất lượng, nghiêng hoặc bố trí hoạt tải sai khác so với thiết kế ban đầu đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão;
- Đối với các công trình hồ đập: Rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du;
- Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng: Yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 04 tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng (các tài liệu đã được đăng tải trên website của Sở Xây dựng: http://sxd.binhthuan.gov.vn/).
Tải về: 816/SXD-QLXD&HTKT
Ban Biên tập Website.