Yêu cầu rà soát các tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng nhà, lán trại phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét
Trước tình hình sạt lở đất, vùi lấp công trình (lán trại, doanh trại, trụ sở, nhà ở và cụm dân cư), gây rất nhiều thương vong cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân và người dân vừa qua tại các tỉnh miền Trung; theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngày 19/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp với đại diện các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ Xây dựng, Cục Doanh trại Bộ Quốc phòng, đại diện các Công ty: Tư vấn khảo sát USCo, Tổng Công ty Sông Đà và các chuyên gia… để xác định nguy cơ, nguyên nhân sạt lở đất.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp với đại diện các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty tư vấn khảo sát USCo, Tổng Công ty Sông Đà, đại diện Cục doanh trại Bộ quốc phòng, các chuyên gia…
Tại cuộc họp, các nhà chuyên môn đã đưa ra phân tích về sự khác biệt nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với các hình thái thiên tai phổ biến khác như: Gió, bão, lũ lụt và động đất. Theo nhận định của các chuyên gia, rất khó có thể dự báo thời gian và địa điểm xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với dự báo về gió, bão, lũ lụt.
Hầu như không thể dùng các biện pháp công trình để chống đỡ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với việc có thể thiết kế kết cấu chịu được gió bão, động đất. Thêm đó, các quy định hiện nay trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất – địa hình để xây dựng lán trại, doanh trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn khá khiêm tốn.
Hiện trường vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 18/10, ngay gần đơn vị Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến hơn 20 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu các đơn vị của Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương tiến hành ngay việc cập nhật, khảo sát thực tế tại hiện trường những nơi vừa xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Trên cơ sở đó, nhanh chóng soạn thảo hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng đối với công tác xây dựng mới. Đồng thời, có hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời khẩn cấp đối với các công trình đang tồn tại trong các mùa mưa bão.
“Việc này phải tiến hành nhanh, có chuyên môn sâu, từ đó mới có hy vọng ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại người và tài sản khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Những ngày qua, mưa lớn gây ngập lụt sâu, trên diện rộng vẫn tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên Huế rất cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4. Hình thái thiên tai lũ quét, sạt lở được nhận định rất nguy hiểm và khó lường trước.
Nguồn: Báo Xây dựng