Sửa đổi Luật Nhà ở: Mở rộng “Cánh cửa nhà ở” xã hội cho người lao động
Lượt xem: 698

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hy vọng dự án Luật này sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập để gia tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội đối với người lao động.

Đảm bảo thống nhất với Luật Công đoàn trong nội dung về đầu tư nhà ở xã hội

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét dự án Luật này. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau gần 08 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, tồn tại và cần được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật Nhà ở năm 2014.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng mục đích của việc xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan. 

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Các quy định về chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được thể hiện rõ trong Điều 81 của dự thảo Luật. Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện như sau: Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 39 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư và có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư phát triển địa phương đăng ký làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Điều này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cho ý kiến về việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo quy định của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21 (3/2023), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì dự án nhà ở xã hội không thuộc trường hợp phải đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Quy định nêu trên của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa bảo đảm tính đồng bộ với quy định của các dự thảo Luật có liên quan. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ sự cần thiết của việc lựa chọn giải pháp nêu trên, đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định cho phù hợp với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho công nhân là nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành, nhưng chưa thống nhất với Điều 27 của Luật Công đoàn, theo đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân không thuộc nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn.

 Toàn cảnh phiên họp

Mặt khác, theo quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Công đoàn, chưa rõ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân thì tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào, từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng, từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ…?. Đây là vấn đề lớn, hệ trọng liên quan đến việc sử dụng tài chính Công đoàn, nếu sử dụng nguồn thu này để thực hiện hoạt động đầu tư khi mà hoạt động đầu tư tiềm ẩn khả năng không bảo toàn nguồn vốn thì sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác của Công đoàn, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các công đoàn viên.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ sự cần thiết và tính thống nhất, khả thi của chính sách này; trường hợp vẫn giữ quy định này trong dự thảo Luật thì cần quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời sửa các quy định có liên quan của Luật Công đoàn để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Mở rộng cánh cửa nhà ở xã hội cho người lao động

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, quy định về nội dung bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo hai phương án. Trong đó, phương án 1 là Quy định trách nhiệm quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành, đồng thời đưa các quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP vào dự thảo Luật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, phương án 1 có ưu điểm là thể hiện được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giải quyết nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận người dân có thu nhập còn thấp, không có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường; đồng thời tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội - địa lý của từng địa phương, nhu cầu nhà ở thực tế của người dân tại địa phương đó và góp phần đảm bảo phát triển nhà ở theo quy hoạch. Tuy vậy, phương án này cũng có nhược điểm là tăng gánh nặng ngân sách để thực hiện chính sách mới này và sẽ càng khó hơn với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Trong khi đó, Phương án 2 tiếp tục giữ nguyên quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư phải dành một phần diện tích đất ở bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Phương án này sẽ bảo đảm tính ổn định của chính sách hiện hành, quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư trong việc bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ) là chưa phù hợp với thực tiễn.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định nêu trong Phương án 2 dẫn đến việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; hầu như không bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Điều này trong thực tiễn đã gây ra nhiều vấn đề bất cập như tạo ra sự chênh lệch về điều kiện sống, mức sống giữa cư dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội với cư dân ở trong nhà ở thương mại; phát sinh hiện tượng mua bán nhà xã hội cho các đối tượng không thuộc hỗ trợ nhà xã hội khi chưa đến thời hạn được mua bán.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương có thể dẫn đến tình trạng các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội nhưng không đưa vào sử dụng, làm lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và làm tăng giá nhà ở.

Vì vậy, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cân nhắc kỹ trước khi quyết định phương án bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội tại dự thảo Luật. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ các phương án về xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Nguồn: Quochoi.vn

 

Chuyên mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang