Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, các dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng) chính thức được thông qua.
Có thể thấy những luật này được Chính phủ đề xuất soạn thảo, trình theo trình tự thủ tục rút gọn với tinh thần chuẩn bị khẩn trương, quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định của các Luật này vào cuộc sống, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Khu nhà ở xã hội Hàm Kiệm.
Đáng chú ý, các Luật nói trên có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025. Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Qua đó, sớm đưa các nội dung đổi mới của 4 Luật này đi vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành các luật và phát huy những ưu việt của chính sách, quy định tiến bộ trong các luật nêu trên. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… Điểm mới của Luật Nhà ở 2023 không còn quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, theo Điều 58 quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư như sau: Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế quy định tại khoản 1 Điều 58 hoặc chưa hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế nhưng bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình nhà chung cư theo quy định tại Điều 61. Từ đó có thể thấy Luật Nhà ở 2023 không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài và người dân vẫn còn đó, và làm căn cứ để được bồi thường. Quy định này được nhiều người dân đồng tình ủng hộ và thấy yên tâm hơn về vấn đề nhà ở khi số người sử dụng nhà chung cư hiện nay ngày càng gia tăng. Thêm nữa, luật còn mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo Điều 76, đã sửa đổi và bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội so với quy định hiện hành là: Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là các địa phương cần chủ động chuẩn bị và khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành các luật, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Việc xây dựng kế hoạch là nội dung rất quan trọng và cần thiết để dự kiến các công việc cần triển khai, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, ngay từ thời điểm có hiệu lực.
Nguồn: baobinhthuan.com.vn