(Chinhphu.vn) – Chiều 29/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự Lễ khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm các gian hàng tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Diễn ra từ 29-30/9 tại tỉnh Quảng Ninh, sự kiện quy tụ 10.000 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong toàn quốc; đại diện các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ (KHCN).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KHCN tại một số quốc gia phát triển...
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm nay mang đến cơ hội kết nối, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp với khoảng 200 gian hàng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế như: Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Đây là những chính sách quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trong đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi có khả năng ứng dụng nhanh nhất các kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Hải Minh
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hệ thống cơ chế, chính sách, chiến lược về KHCN và đổi mới sáng tạo đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Bộ KHCN cùng với các bộ, ngành đã và đang xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian bằng các hoạt động như: Sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn, hình thành các điểm kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm nay sẽ mang đến cơ hội kết nối, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp với khoảng 200 gian hàng được chia thành các khu: Doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp KHCN; doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu của Việt Nam; viện, trường, tổ chức trung gian của thị trường KHCN và các địa phương; doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh; công nghệ nước ngoài có nhu cầu chuyển giao và giới thiệu công nghệ mới tại Việt Nam; tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp sẽ giới thiệu công nghệ mới, sản phẩm mới và kết nối cung - cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài phục vụ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp, chuyên gia, viện trường sẽ thảo luận các vấn đề nổi bật thông qua: Diễn đàn công nghệ và năng lượng năm 2023; Tiêu điểm công nghệ - Xu hướng công nghệ mới (Công nghệ vật liệu mới và công nghệ năng lượng xanh, công nghệ phục vụ sức khỏe và công nghệ công nghiệp 4.0); Diễn đàn Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chứng kiến lễ trao 8 biên bản ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và các đối tác nước ngoài - Ảnh: VGP/Hải Minh
Bên cạnh đó, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ gặp gỡ, trao đổi và tư vấn về các chính sách, giải pháp công nghệ và đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ, các chương trình KHCN, kết nối tài chính - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giúp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã chứng kiến lễ trao 8 biên bản ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và các đối tác nước ngoài.
Qua 11 năm tổ chức, sự kiện đã giúp tìm kiếm và cung cấp thông tin khoảng 2.300 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước, hơn 300 hồ sơ chuyên gia công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KHCN các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên tại sự kiện./.
Nguồn: baochinhphu.vn